*TMG 16-Khát Vọng Hòa Bình Trong Thơ Hải Như (Bài Viết) Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

Khát Vọng Hòa Bình Trong Thơ Hải Như

 

Hơn ai hết, người lính mong muốn trên đời không còn cảnh những người vợ chờ chống như nàng Tô Thị. Họ hiểu, trân trọng tư tưởng và góc nhìn khác thường, chân thực về chiến tranh của nhà thơ Hải Như.

                             "Nàng Tô Thị không còn cầu chúc hành tinh"

                                                                   (Thơ Hải Như)

          Tượng nàng Tô Thị từ lâu đã trở thành biểu tượng người vợ lính chờ chồng mòn mỏi đến hóa đá. Ngày 27-7-1991, tượng nàng Tô Thị bị kẻ xấu phá đổ để lấy đá nung vôi. Dư luận quần chúng bất bình, xôn xao, báo chí thi nhau lên án Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lạng Sơn đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ tượng nàng Tô Thị.

          Mùa xuân năm 1992, nhà thơ Hải Như cùng phu nhân từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và lên thăm Lạng Sơn. Trước sự việc tượng nàng Tô Thị bị phá và dư luận bất bình, nhà thơ Hải Như đã sáng tác bài thơ "Tô Thị" thể hiện rõ cái nhìn và quan điểm của mình. Qua bài thơ, ông muốn lý giải rằng dân tộc Việt Nam vốn hiếu hòa chứ không hề hiếu chiến như lâu nay phương Tây vẫn hiểu không đúng...

          Khi về Hà Nội, nhà thơ Hải Như gửi bài thơ cho nhà viết kịch Tào Mạt. Nhà viết kịch Tào Mạt đọc xong, chép ngay lại bài thơ và cho rằng cần được công bố bài thơ này. Nhưng rất tiếc, bài thơ đã không được công bố trên báo chí. Sau này nhà thơ Hải Như đưa bài thơ vào tập "Nỗi buồn hoa bất tử" NXB Lao Động, 1994).

          Tạp chí Nhà văn số ra tháng 12-2011 và Báo Đà Nẵng tháng 8-2012 đăng bài "Lời liệt sĩ thành cổ Quảng Trị" của nhà thơ Hải Như. Nhà thơ đã thay lời các liệt sĩ trong 81 ngày đêm máu lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị (trong đó có con trai nhà thơ) nói rõ điều mà các liệt sĩ mong muốn là xây dựng một "xã hội nhân văn", chứ không phải chiến tranh, bởi chiến tranh:  

          Là nước mắt - chia ly, là máu đổ

          Là "Nhất tướng công thành vạn cốt khô".

          Phải chấp nhận cuộc chiến tranh không hề mong muốn kéo dài 1/3 thế kỷ là sự bất hạnh. Vì thế, không nên dùng những mỹ từ nói về nó như "Thời hoa lửa"... Viết đến đây tôi không thể không nhớ lại những ngày trên đường ra trận vào năm 1972 đầy gian khổ, bom đạn ác liệt, hy sinh mất mát lớn lao của đơn vị và đồng đội.

          Tôi may mắn được sống sót trở về, còn hàng vạn đồng đội đã nằm lại chiến trường. Hàng vạn bà mẹ trở thành bất hạnh. Biết bao người vợ mòn mỏi chờ chồng hóa đá như nàng Tô Thị. Hơn ai hết, người lính chúng tôi mong muốn trên đời không còn cảnh những người vợ chờ chống như nàng Tô Thị. Và tôi hiểu, trân trọng tư tưởng và góc nhìn khác thường, chân thực về chiến tranh của nhà thơ.

          Từ quan điểm tư tưởng và cái nhìn đối với chiến tranh thể hiện ở hai bài thơ vừa nêu, nhà thơ Hải Như lên án:

          Nhưng con người với con người"

          Đêm đêm trên màn ảnh nhỏ

          Vẫn chĩa súng vào nhau.

          Và... vẫn thản nhiên cười (?)"

                             (Gấu trúc Ata).

          Ông coi sự kiện đôi tình nhân Bosko và Admira vượt qua mọi tị hiềm để giữ vững tình yêu và bị bắn chết vào năm 1993 là "Vết nhơ thế kỷ".

          Cái nhìn ấy, tư tưởng, quan điểm ấy của nhà thơ bắt nguồn từ tình yêu hòa bình, truyền thống hiếu hòa của dân tộc Việt Nam. Có yêu hòa bình mới căm ghét chiến tranh. Nhà thơ Hải Như đã thể hiện rõ tình yêu hòa bình và với hai bài thơ trên, tình yêu hòa bình ở nhà thơ đã vượt lên thành khát vọng hòa bình.

Trần Mỹ Giống

Mời các bạn đọc hai bài thơ của Nhà thơ Hải Như sau đây:

 

          TÔ THỊ

 

"Nàng Tô Thị không còn cầu chúc hành tinh"

Ta không buồn khi mất nàng Tô Thị

Lòng sắt son hóa đá đứng chờ chồng

Bởi không muốn ngợi ca hoài chung thủy

Còn chiến tranh vợ mòn mỏi xa chồng...

Đào xứ Lạng - Cảm ơn bông nở muộn

Đón khách thơ. Ta đi với người tình

Từ nửa nước phía nam lên ải bắc

Nàng Tô Thị không còn - cầu chúc hành tinh!

Có phải hai dân tộc đã nhìn ra quá khứ

Đáng rủa nguyền - xương máu rải đầy non

Nàng Tô Thị cảm thấy cần vắng bóng

Cho vĩnh viễn hòn Vọng phu ta, bạn không còn...

Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận

Mẹ già ta cần ta cạnh bên người

Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị

Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi.

Biên giới là gì? Lòng người không biên giới

Cột mốc dựng chia chẳng ngăn nổi tìm nhau

Hội Lùng tùng mở Đồng Đăng trai Bằng Tường băng tới

Ta cảm thông hai mảnh đất địa đầu!

Ta không buồn khi mất nàng Tô Thị

Chiều Lạng Sơn soi bóng nước Kỳ Cùng

Ồ em nhỉ - ta theo dòng chảy ngược

Làm một cuộc du hành. Biên giới vốn cùng chung...

(Lạng Sơn - Bằng Tường mùa Xuân 1992)

Rút trong tập "Nỗi buồn hoa bất tử" của Hải Như, NXB Lao Động, 1994.

 

 LỜI LIỆT SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

 

"Nhĩ lai bất quý sát nhân công" (*)

                                  (Nguyễn Du)

Cảm ơn các bạn không quên chúng tôi

Đã ngã xuống trong 81 ngày đêm chấn giữ Thành cổ.

Hàng năm các bạn vẫn đến thả đèn hoa trên dòng Thạch Hãn.

Chiến tranh là gì?

Là nước mắt - chia ly, là máu đổ

Là "Nhất tướng công thành vạn cốt khô"

Thời của thế hệ chúng tôi không nên dùng mỹ từ "Thhời hoa lửa"

Bất hạnh cho dân tộc ta - một dân tộc hiếu hòa.

Phải chấp nhận trận chiến kéo dài không muốn- phần ba thế kỷ

Chúng tôi mong được các bạn mỗi lần đến cho biết:

Giấc mơ về một "xã hội nhân văn" chúng tôi mang theo vào trận đánh

Các bạn hôm nay phấn đấu thực hiện đến đâu rồi?

(TP. Hồ Chí Minh, tháng 8-2011)

(*) Pháo đài, dịch nghĩa là: Từ nay việc giết người không còn coi là có công.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền